Hiển thị các bài đăng có nhãn Tâm tình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tâm tình. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Chuyện Dạy Con

Chuyện Dạy Con




Sói Già Ngơ Ngác
--------------------------------------------------------------------------------

1.

“ Lớp có 30 học sinh, 90% số học sinh trong lớp thích Toán, 80% số học sinh thích vẽ. Hỏi có bao nhiêu học sinh thích Toán và bao nhiêu học sinh thích vẽ ? ”


Hôm qua, hắn đi làm về, mệt quá leo lên võng chợp mắt chút trước giờ cơm tối thì bị dựng dậy bởi cái đề Toán của ông con, đang buồn ngủ, đầu óc lơ mơ, đọc mãi chẳng hiểu gì ráo.

Ông con bảo : 90% = 9 x 3 = 27 học sinh, 80% = 8 x 3 = 24 học sinh, cộng lại cả thảy là 51 học sinh, trong khi lớp chỉ có 30 đứa, vậy là sao hở cha ?


Cha ..chịu.


Giải thích với con trai rằng trong đó có thể có học sinh thích cả Toán lẫn Vẽ, do đề bài sai nên nó thành vậy.

Ông con gân cổ cãi, Sách Giáo Khoa mà sai thì còn gì nói nữa, Toán thì phải chính xác 2 với 2 là 4 chứ.

Hắn cười trừ.


Đời thiếu gì cái lẽ ra phải chính xác như 2 với 2 là 4 mà vẫn cứ sai lòi ra con ơi, sai mặc nhiên, đương nhiên và hồn nhiên.

Chẳng hạn cái tên trường tiểu học của con, trường của một anh hùng ( đương nhiên con tin sái cổ ) , anh hùng bán đậu phộng rang đốt kho xăng của địch.

Cha giải thích cho con rằng anh ấy còn giỏi gấp mấy lần mấy cha nội trong phim hành động Mỹ, chưa kể, anh ấy còn là thần tiên nữa, vì bình thường đek thằng nào tẩm xăng cháy như đuốc mà chạy quá 2 mét. Mà thần tiên thì, con biết đó, chỉ có trong truyện cổ tích thôi.


Chưa kể, con biết rằng nhà của con người lạ không dễ gì vào, chưa nói đến kho bom đạn quân sự, theo con thì bao nhiêu lớp cổng, lớp canh gác mới vào tới, bộ hết chỗ bán đậu phộng rang à ?


Dóc ông nội, xạo từ SGK.

Con ờ à, chẳng biết có hiểu hay không, kết quả cha bị cô giáo mời gặp vì con nói với bạn bè chuyện là vậy, bạn bè không tin, con không giải thích lại, đành vin vào cái cớ với con là khả tín nhưng với bạn bè con thì chả có kí lô nào, rằng tao biết điều đó vì cha tao nói thế.

Cô giáo đề nghị cha không nên nói chuyện tầm bậy tầm bạ với con, cha nổi quạu và ráng lắm mới có thể nhỏ nhẹ với cô rằng : Thưa cô, tôi không nói chuyện tầm bậy với con tôi, mà tôi dạy nó, cô cũng có gia đình, cũng có con nhỏ, cô có muốn dạy con mình chuyện dối trá không ?

Con à, con cứ thắc mắc hoài tại sao con đang học trường điểm, trường khang trang, rộng rãi vậy mà cha lại chuyển con về trường ở ngoại ô, nghèo nàn, nói theo kiểu của con là trường này nhìn rất “ cùi bắp”.

Cha tảng lờ không muốn trả lời.


Thì đây, cha chuyển con về trường ngoại ô bởi vì tên trường chỉ thể hiện chính xác cái vùng mà trường con tọa lạc, cái tên trường mà bao nhiêu lớp học sinh đi qua không bị nhồi vào đầu rằng trường này mang tên đứa này đứa nọ, là anh hùng, là vĩ nhân, là cái con tườu gì cha cũng chẳng biết.

Và cha không muốn mỗi khi đón con về, cha phải bước qua cái bảng tên trường mà có cảm giác như bị ai thoi một nhát vào yết hầu, con à.

Vậy thì, cha chuyển trường con vì cha ghét cái trường cũ của con, cha ghét ai nhồi vào đầu con cha sự dối trá, đơn giản chỉ là vậy thôi, và con thấy chưa, chuyện học hành của con mà cha quyết định theo cảm tính yêu ghét của cha, chuyện đó rõ ràng là sai, đúng không cậu bé ?

2.

Nhà mình theo nếp người Bắc, trong nhà tôn ti trật tự rõ ràng [sup](1)[/sup] , mẹ con dạy các con rằng con cái đi phải hỏi về phải trình, nói năng vâng dạ đàng hoàng, ăn cơm phải mời người lớn, theo đúng tôn ti trật tự lớn nhỏ thì cha - mẹ - con – em gái con.


Cá nhân cha, cha thấy cái vụ mời mọc ăn cơm chán chết, ăn thì ngồi vào chúc cả nhà ngon miệng, rồi cưa đứt đục suốt cho nhanh còn làm việc khác.


Thế rồi con thắc mắc, tại sao trật tự trong nhà người nhỏ phải tôn trọng người lớn hơn, và điều đó phải được tôn trọng và tuyệt đối thi hành, giống như 2 với 2 là 4 vậy. Em con muốn nói chuyện với con phải gọi con bằng anh Hai đàng hoàng, phải dạ thưa với con, mẹ nhỏ hơn cha, tại sao thỉnh thoảng mẹ vẫn nói trống không với cha, mẹ vẫn nói chuyện với ngữ điệu mệnh lệnh, không phải là câu cầu khiến, tại sao cha không nhắc nhở mẹ ?

Cha tảng lờ không muốn trả lời.


Thì đây con ơi, cha chấp nhận vì thật sự vợ chồng không ai lớn hơn ai, cha và mẹ bình đẳng, cha chấp nhận chuyện thỉnh thoảng căng thẳng chuyện gì đó mẹ con có quyền nói vậy, hơn nữa, khi nhìn gần, con thấy rõ mọi chuyện hơn, nhưng khi con lùi lại, cái nhìn của con sẽ rộng hơn, bao quát hơn. Điều đó bảo đảm cho những quyết định của con có độ chính xác và khách quan hơn cậu bé à.

Hơn nữa, chuyện này nói riêng đàn ông với nhau thôi nhé con trai, cha cưới một người phụ nữ có giọng nói của sỹ quan với trái tim và cá tính của lính thủy quân lục chiến. Nên lúc chiến sự khói lửa tưng bừng, bảo cãi lệnh thì cha chẳng dại.

Vậy đấy, người lớn hơn phải nghe lệnh người nhỏ hơn, con thấy lại một chuyện lẽ ra phải đúng giờ thành sai một cách mặc nhiên chưa ?

3.


Cha dạy con rằng, đàn ông thì phải tháo vát, những chuyện nặng trong nhà thì phải biết làm, cưa, búa, đục, cờ lê, mỏ lết là đồ nghề của đàn ông, cây kim sợi chỉ là đồ nghề của phụ nữ.


Cha cũng dạy con rằng, chuyện gì mình làm được thì đừng nhờ người khác, chỉ nhờ khi nào việc đó vượt quá sức mình.

Thế nên, khi thấy con hì hục vặn vẹo sửa xe đạp của con, cho muốn phụ con một tay cho lẹ, nhưng đành đứng nhìn, vì cha không muốn con mình sau này trở thành một thằng đàn ông – hàng mã.

Thế rồi, khi con mang bộ đồ thủ công từ lớp về nhà, cô giáo bắt con may một cái quần cụt bằng giấy, thú thực, cha suýt chút nữa thì sái quai hàm vì ngạc nhiên đến há hốc miệng.

Mẹ không rảnh, trong khi con phải nộp gấp, cha đành phải giúp con làm, con nhìn cha xỏ chỉ vào kim, may từng mũi để hoàn thành cái bài tập thổ tả đó. Con lại chất vấn cha : cây kim sợi chỉ là của phụ nữ, sao cô lại bắt con làm ?, và tại sao cha cũng biết làm ?

Cha tảng lờ không muốn trả lời.

Thì đây con à, đàn ông đôi khi phải biết cầm cây kim sợi chỉ, vì quần áo của cha hồi xưa do ông nội con vá vì bà nội không còn, vì khi cha lớn đi học ở trọ xa nhà, cái áo đứt nút không tự đơm lại thì biết nhờ ai, cái bụng đói meo không biết bắc nồi cơm, kho chút cá thì biết lấy gì bỏ bụng trong khi tiền bạc hạn hẹp không thể ăn tiệm ? Cái thân không thể tự lo thì biết bấu víu vào đâu hở cậu bé ?

Vậy đấy, chuyện bếp núc kim chỉ đôi khi vẫn là của đàn ông, con lại thấy nó sai chưa ?

Thế nên con ơi, chuyện bổn phận và công việc của đàn ông phụ nữ trong nhà, trong một gia đình, không thể tính bằng phần trăm thích Toán hay phần trăm thích Vẽ như đề bài Toán của con, vì đơn giản rằng, phải có người thích cả Toán lẫn Vẽ con à.

Nếu không, cái đề bài Toán ấy sẽ sai bét.

Quan điểm sống không phải là toán học, không phải là hằng số, nó luôn thay đổi theo thời gian con trai ơi.

Nên nếu sau này trên đường đời con bước, có ai có thắc mắc với con 2 với 2 thậm chí là 8 chăng nữa, con ạ,

Cứ tảng lờ đừng trả lời.

[sup](1)[/sup]Chỉ là một ý diễn đạt, vì khả năng ngôn từ có hạn, nên không tìm ra cách diễn đạt khác , người viết không có ý phân biệt, chê bai hay thành kiến vùng miền, nếu có gây sự hiểu lầm, xin người đọc rộng lượng.

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

NỖI ĐAU TUỔI GIÀ

Ở đây, chúng ta không bàn chuyện đau nhức, cao máu, tiểu đường...nữa, vì đã có quá nhiều vị bác sĩ quan tâm tới tuổi già trên đất Mỹ này. Những loại đau trên đã có thuốc và có chính phủ Mỹ trả tiền, nhưng có những thứ đau khác không có thuốc chữa và cũng không ai kê vai gánh vác giùm.

Báo OC Register thứ sáu tuần trước có đăng tin một ông già bị người ta đem bỏ trước cổng một ngôi chùa ở thành phố Westminster. Ông lặng lẽ ngồi trước hiên chùa suốt ngày. Cảnh sát đến mang ông vào bệnh viện tâm thần. Ông không có trong người bất cứ một thứ giấy tờ nào để biết được ông là ai, ở đâu. Ông không nói một lời nào, chỉ biết lặng lẽ, đôi khi cười một mình như một người mất trí. Ông là một người châu Á, Việt Nam cũng chưa chừng, như vậy ông không phải sinh ra ở đây, hay từ trên trời rơi xuống như cô bé Maika trong một tập phim Tiệp Khắc.

Vậy là có người chở ông tới và bỏ ông lại đây, không ai ngoài con cái hay thân thích của ông. Lâu nay thỉnh thoảng người ta thấy có những thiếu phụ sinh con rồi đem con bỏ vào thùng rác, nhưng chưa thấy ai đem cha mẹ vứt bỏ ngoài đường. Ông già chỉ cười vu vơ, trí nhớ của ông đã suy kiệt, nếu không ông sẽ đau khổ biết chừng nào ?

Trước đây người ta kể chuyện có người chở bà mẹ già bỏ ở cây xăng, tôi không tin, tưởng là chuyện đùa, nhưng bây giờ thực sự lại có người “ đem cha bỏ chùa ”.

Cũng lại câu chuyện của một người già. Tháng trước, trong một dịp đưa người thân đi Việt Nam, tại quầy vé China Airline ở phi trường Los Angeles tôi đã chứng kiến một cảnh khá đau lòng. Trong khi mọi người đang xếp hàng trình vé, cân hàng thì một bà cụ người Việt cứ loay hoay lúng túng trước quầy vé với các thứ giấy tờ vương vãi, bề bộn trên sàn nhà. Bà ngồi bệt xuống đất hết móc túi này đến túi nọ, vẻ mặt lo lắng.

Một nhân viên an ninh phi trường thấy tôi cũng là người Á Đông, ngỏ ý muốn tôi lên giúp bà cụ. Nhân viên quầy vé cho biết bà có vé máy bay, một visa nhập cảnh Việt Nam nhưng không có passport hay thẻ xanh. Tôi giúp bà moi từ đống giấy tờ ra chỉ thấy một cái hộ chiếu của Việt Nam cấp cách đây mười mấy năm khi bà đến Mỹ đã hết hạn và một cái ID của bà do tiểu bang Florida cấp. Bà mới từ Florida đến phi trường Los mấy giờ trước đây một mình và trình giấy tờ để lên máy bay đi Việt Nam.

Cuối cùng, bà cũng lên được máy bay, nhưng bà sẽ không bao giờ có thể trở lại Florida nữa vì trong tay bà không có passport của Hoa Kỳ, không thẻ xanh, không “entry permit”. Đây là trường hợp một bà mẹ già, quê mùa bị con cái “mời khéo” về Việt Nam. Tội nghiệp cho bà đã ngồi trên máy bay năm sáu tiếng đồng hồ để đến phi trường LAX, sắp tiếp tục chặng đường về Việt Nam nhưng không biết là mình không thể trở lại Mỹ và lòng bất nhân của con cái.

Hình ảnh bà già này cứ ám ảnh tôi mãi. Bà vụng về, quê mùa, có lẽ cũng chẳng giúp ích được gì cho con cái mà chỉ thêm gánh nặng. Thôi để cho bà đi, khi biết mình không trở lại Mỹ được thì chuyện đã rồi. Tuổi bà có nằm lại trên quê hương cũng phải, sống chẳng giúp ích gì được cho ai, chết ở đây bao nhiêu thứ tốn kém.

Hai vợ chồng sang Mỹ từ hai mươi năm nay, đi làm nuôi con, mua được căn nhà đã pay off. Khi các con đã có gia đình ra riêng thì ít năm sau ông cụ cũng qua đời. Thấy mẹ hiu quạnh trong một căn nhà khá 1ớn, mà giá nhà đang lên, các con bàn với mẹ bán nhà đi rồi về ở với các con.

Bà mẹ bán nhà, thương con chia đều cho mỗi đứa một ít, còn dăm nghìn dắt lưng, rồi về ở với con. Bà không biết lái xe, không biết chữ nghĩa, cũng không biết trông cháu làm home work, nên cha mẹ chúng phải nhờ người đưa đón. Bà thích nấu ăn, gói bánh, kho cá, nhưng sợ nhà hôi hám, con cái không cho. Lúc đầu thì chẳng sao, lâu dần mẹ thành gánh nặng.

Buổi chiều, đứa con gái xô cửa trở về nhà, thấy mẹ đang ngồi xem TV, nó hất hàm hỏi :

-“Có hiểu gì không mà thấy má ngồi coi suốt ngày vậy ?”

Có lúc chuông điện thoại reo, đứa con nhấc máy, bên kia không biết ai hỏi gì, trước mặt bà già, nó trả lời nhát gừng :

-“Bả đi khỏi rồi !”

Một bà mẹ khác, ở chung nhà với một đứa con nhưng nhờ một đứa con khác đưa đi bác sĩ. Xong việc, nó đưa mẹ về rồi lẹ lẹ dọt xe đi làm. Bà già vào tới cửa, móc túi mãi không tìm ra cái chìa khóa nhà. Bà không có chìa khóa, không cell phone, cũng không có tiếng Anh, sợ sệt không dám gõ cửa hàng xóm. Bà ngồi đó, trên bục cửa cho tới chiều, khi đứa con ở chung nhà đi làm về, thì bà đã kiệt sức vì khô nước, phân và nước tiểu đầy mình.

Đời xưa, người ta kể chuyện trong một gia đình, có hai vợ chồng đối xử với ông cha già đã run rẩy của mình tệ bạc, cho cha ăn trong cái “mủng dừa”. Một hôm hai vợ chồng đi làm về thấy đứa con nhỏ của mình đang hì hục đẽo một cái gáo như thế, được cha mẹ hỏi, nó “thành thật khai báo” rằng “để dành cho cha mẹ lúc về già”.

Đâu phải ai nuôi con cũng nghĩ tới lòng cha mẹ, cũng như nhớ chuyện “trồng đậu có đậu, trồng dưa có dưa”.
Nguồn lientuti

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Nhớ hồi nhỏ ở quê

Nhớ hồi nhỏ ở quê




Trinh



Ít bữa nay cắm cúi soạn lại Gia Phả Liên thủy,phần dễ làm vừa hết,bây giờ tới phần hóc búa,tôi đọc đi đọc lại mãi mà chưa biết phải trình bày thế nào cho mọi người dễ hiểu và cả tôi cũng có thể hiểu.Thôi thì tạm ngưng cho đầu óc tỉnh táo.



Nay đã vào gần cuối năm,nhớ lại những chuyện nghịch ngợm thời tuổi thơ ở quê tự nhiên thấy lòng mình trẻ lại và tự nhiên thấy thương yêu những người anh em cùng trang lứa lúc đó vô cùng.



Năm tôi được khoảng 6 tuổi,lúc còn ở Hoành Đông,vào dịp cuối năm,lúc lúa vừa cấy xong,tôi không nhớ tại sao lại ra cánh đồng lúa phía sau và cách nhà khoảng một cây số vào buổi chiều và phát hiện rươi đang ào ào bơi trên mặt ruộng,tôi vội chạy về nhà nói cho mẹ tôi biết rồi xách theo một cái nồi đồng nhỏ,một cái vợt bằng vải màn,đi vớt rươi.Những năm trước tôi chỉ biết ăn rươi mà chưa biết cách bắt rươi như thế nào thì bây giờ là lúc tôi thực hành lần đầu tiên và duy nhất trong đời vì mãi mãi sau này tôi không bao giờ còn có dịp đi hớt rươi nữa.



Khi tôi trở lại khu ruộng có rươi thì đã có khá nhiều người cũng đi bắt rươi.Trẻ con như tôi thì chỉ có cái vợt vải màn,còn người lớn thì đồ nghề đầy đủ hơn,có săm là loại túi bằng vải màn chăng ở bờ ruộng chỗ nước chảy,rươi trôi theo nước chạy vào túi săm,nên bắt được nhanh và nhiều hơn.Còn nếu dùng vợt thì chỉ chao qua chao lại những con rươi trôi trước mặt,số lượng ít hơn nhiều nhưng rươi bắt được không lẫn rác rưởi.



Tôi không còn nhớ rõ lắm,nhưng có lẽ khi đó là buổi chiều,gió rét căm căm và hình như lại có mưa nho nhỏ nhưng những con rươi màu xanh,màu vàng cứ ào ào trồi lên mặt nước khiến đoàn người đi bắt rươi lội tới lội lui cho tới tối mịt mới chấm dứt công việc và sau này tôi nghe kể càng về muộn rươi càng trồi lên nhiều hơn,nhưng chỉ có thể bắt được bằng săm,vì tối quá không còn nhìn thấy con rươi nào nữa.



Con rươi vớt lên rất dễ dập,chảy chất giống như sữa ra,nên phải nhẹ nhàng,khi vớt được kha khá mới đổ vào nồi chứa,xong lại tiếp tục vớt.Cỡ như tôi một lần như vậy chỉ vớt được khoảng một bát cơm đầy rươi,nhưng mê lắm,không thấy rét,không thấy đói,không biết mệt,chỉ đến khi tối mịt mới phải bỏ về.Nhưng mà rươi cũng không nổi lên trong thời gian dài,có khi chỉ vài giờ là hết.Mỗi năm chỉ được một lần hoặc hai.Cho nên rươi mới là đặc sản vùng gần biển và là món ngon ai ăn rồi cũng nhớ mãi và mong tới vụ sau !Sau này về ở Liên Thủy,tôi không còn có dịp đi vớt rươi và thậm chí không được ăn các món rươi,cho đến nay đã hơn 60 năm.Hôm rồi đọc Vũ Bằng nói về rươi tự nhiên nhớ quê vô cùng.



Ở Liên Thủy tôi là thằng bé nghịch ngầm.Liên Thủy có rất nhiều ao,nhà nào cũng có,có nhà có tới hai cái ao.Thường thì trong ao người ta nuôi cá mè,cá trôi,cá chép;nhưng ao nào cũng lẫn vào những con cá quả hay cá chuối (miền Nam gọi là cá lóc),cá trê và lươn.Nhiều ao chẳng nuôi cá gì cả mà chỉ thả bèo cái nuôi lợn một phần ao,phần còn lại ngăn bèo bằng bè rau muống dùng đê rửa ráy giặt giũ.Tôi hay đi câu cá trê vào ban đêm,nhất là vào khoảng tháng 7,tháng 8 âm lịch.Câu cá trê thì dùng mồi giun,có xỏ cục chì hình đầu viên đạn vào sợi giây câu ngay phía trên lưỡi câu.Trước khi buông lưỡi câu xuống nước thì dùng cần câu nhấc lên thả xuống cho cục chì tạo ra tiếng kêu tõm tõm cốt gọi cá trê tới sau đó mới thả lưỡi câu đã móc mồi giun xuống.



Đi câu phải quan sát chỗ ngồi câu tại ao nào có khả năng nhiều cá trê.Tôi còn nhớ câu “ao rậm thì lắm cá trê”,thế là ao nào có nhiều gốc tre và trông rậm rạp là tôi nhắm tới.Có lẽ chẳng ai cấm câu cá trê trên ao nhà họ,mà hầu hết là bà con ,trong làng cũng chẳng thấy ai câu cá cả,nhưng câu cá trê vào ban đêm cỡ 8.9 giờ tối tôi thấy chẳng ai ra đường,chẳng thấy ai la rầy gì.Nhất là cũng chỉ thỉnh thoảng sáng trăng mới đi câu một lần,chớ trời tối có lần câu được con rắn ráo tưởng là lươn,khi coi kỹ lại hết hồn luôn.



Câu nhiều lần,nhưng mỗi lần cũng chỉ được vài con cá trê,có khi cá chuối,có khi lươn,nhưng điều thú vị nhất là khi có cắn câu,cảm giác hồi hộp và căng thẳng lạ lùng.Con mồi nhấp mồi nhè nhẹ,khi nó quyết định nuốt mồi thì giựt mạnh sợi giây câu,lúc đó mới được giật cần câu.Thời gian chỉ năm đến mười giây nhưng cảm xúc thì tuyệt vời không biết diễn tả thế nào cho đúng,cho đủ.



Chình vì cứ nghịch ngợm như vậy,nên không chăm chỉ học hành,có lần bố tôi đã viết cho tôi một bức thư dài nhắc nhở tôi phải lo học hành,nội dung giống như những bài tôi đã có lần được đọc trong cuốn TÂM HỒN CAO THƯỢNG (Les Grand coeurs)của Edmond De Amicis do Hà Mai Anh dịch.Đó là những ngày ngắn ngủi mà tôi được ở cạnh bố tôi do chiến tranh và công việc của bố tôi ở Hoành Đông.Từ đó tôi không còn dám quậy phá nữa vả lại tôi cũng đã lớn dần,biết suy nghĩ chút ít rồi.



Cũng nên biết rằng ở Liên Thủy thời đó cỡ 13,14 tuổi là bắt đầu phải bỏ học ở nhà vì chi phí học hành tốn kém,trường xa,chỉ những ai đi tu thì nhà Chung lo cho còn gia đình hết khả năng rồi.Vì vậy cỡ tuổi đó sẽ dần dần làm quen với việc đồng áng rời xa ghế nhà trường.Biến cố 1954 đã đảo lộn làng mình,làm thay đổi nhiều cuộc đời,tốt xấu chưa thể đánh giá được.



Đã hơn nửa thế kỷ qua đi,những người ngày ấy nay đã thành ông thành bà và thành cụ cả rồi,những người ở lại thì cũng thế,nhưng lớp trẻ ngày nay ở làng ra sao.Nhà thờ có còn là Trung Tâm sinh hoạt của mọi người như xưa ?Lớp trẻ đã tiến lên như thế nào trong muôn vàn khó khăn giữa những đổi thay hàng ngày trong xã hội?Ngày nay cuộc sống rộng mở,nhiều người phải bon chen kiếm sống nơi thành thị đầy cạm bẫy xa hoa quyến rũ,liệu có còn giữ được phẩm giá truyền thống của tổ tiên ?

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

TÁM XOAN

Nhớ lại những ngày thanh bình ngắn ngủi lúc còn thơ,năm thì mười họa vào những dịp lễ tết,mẹ tôi cho cả nhà ăn một bữa cơm gạo tám,khi nấu xong,mở nắp vung cả ngoài ngõ cũng ngửi thấy mùi thơm.Bây giờ ở Saigòn có người bán gạo tám xoan,nhưng ăn chẳng giống tí ti nào,chỉ là tám dỏm.Người ta còn có những quán Cơm Tám Giò Chả.Hồi đó mẹ tôi làm gì có giò chả,cứ ra vườn bắt con gà vào làm thịt,rang gừng thì giò chả cũng thua !

Nay mời bà con đọc bài dưới đây để tưởng tượng được ăn hương hoa tám xoan là đặc sản quê mình ,để nhớ về quê xưa.Không biết ngày nay ngoài đó có còn loại gạo quí này không ?


Tám và Tám xoan



Cũng như gạo Huyết Rồng (Tây Ninh), Nàng Hương, Nàng Chồn (Sa Đéc, Vĩnh Long), Nàng Thơm (Cần Giuộc, Cần Đước - Long An), gạo Trì (Quảng Nam), gạo Ngự (Huế)…, gạo Tám là đặc sản của ruộng đồng miệt vườn tỉnh Nam Hà, vùng hai bên bờ sông Ninh Cơ, một nhánh bên phía hữu ngạn sông Hồng.



Ở đây, đời này qua đời khác, giàu nghèo ai nấy đều biết Tám – tên gọi chỉ độc một tiếng, nhưng vừa chứa đựng, lại vừa gợi nhớ vừa như xác định rằng gạo Tám là phải thơm, không thơm thì không phải là Tám. Tuy nhiên, ở đây cũng có một điều cần hiểu thấu đáo, lá Tám bao gồm tới những hai loại, chất lượng chênh lệch một mười một bảy; hương vị cùng hình vóc sắc màu của hạt gạo, hạt cơm, người sành sỏi mới phân biệt được đâu là Tám cỗ ngỗng, đâu là Tám xoan.

Tiếc thay hạt gạo Tám xoan


Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà.




Tại sao tiếc? Xin tạm thời lui lại câu trả lời, để trước hết nói về ruộng đồng thích hợp với Tám, bởi vì Tám rất kén ruộng. Không phải đệ nhất đẳng điền, chớ có mơ màng. Không phải ruộng bùn hoa không pha cát, kề cận bờ sông ngòi, mưa dầm không úng, nắng hạn không khô, thì cũng đừng mơ tới Tám.



Cho nên trên một cánh đồng lúa mùa, người ta có thể gặp thấy những mảnh ruộng cấy Tám cỗ ngỗng trải dài, đu đưa như cái cổ con ngỗng, chủ điền cấy vừa để nấu cơm cúng giỗ, Tết, vừa nhằm kinh doanh. Từ những năm xửa năm xưa Tám cổ ngỗng đã được đem ra bán chợ, đưa ra tỉnh thành và ngược lên Kinh kỳ. Cơm bán ở mấy hàng “Cơm Tám giò chả” chỗ đầu phố Huế (Hà Nội) cả hồi trước và hồi sau 1945 chính là cái Tám cổ ngỗng ấy đấy.



Còn Tám xoan thì nhất định là không thể nào chiếu cố những nơi phạn điếm hàng cơm -khó tính, khó nết, cũng đệ nhất đẳng điền nhưng phải chân ruộng có bèo dâu sinh sôi nảy nở tự nhiên mới được Tám xoan ưng chịu. Kênh kiệu là vậy, eo sách là vậy, mà Tám xoan lại nhỏ bông. Chủ điền ruộng thẳng cánh cò bay, nhưng là tay ăn chơi mới cấy Tám xoan. Nồi cơm Tám xoan luôn luôn là khẩu phần của một hai người được ưu đãi nhất trong gia đình, đôi khi để thết đãi thượng khách hoặc năm ba cân gạo làm quà tặng biếu.



Không ai nỡ bán cái Tám xoan hạt thon, dài mỏng mình, màu trắng xanh, chỉ một vốc gạo cũng đã toả mùi thơm ngát. Với nồi cơm chín tới, trong bếp mở nắp vung là ngoài sân, ngoài ngõ đã thấy thơm lừng.


Bởi thế, nếu không phải là cường điệu quá mức thì cái vị trí trong gia đình, cái ân tình trong quan hệ, trong giao tiếp, người ta có thể lấy bát gạo, chén cơm Tám xoan để làm căn cứ. Và dầu rằng chưa từng có sách vở bài bản viết thành văn, dạy về cách nấu, cách ăn cơm Tám xoan, trong những giới nào đó người ta biết Tám xoan phải nấu bằng nồi đất, niêu đất, hoặc nồi gang, cùng lắm là nồi đồng thau; nấu bằng nồi đồng điếu, hạt cơm ướt rượt.



Cơm nấu rồi đến việc ăn. Cơm Tám xoan không ăn kèm đồ xào hoặc chan canh. Giò chả là món làm ra vẻ sang. Để thêm phần đậm đà miếng cơm, bao giờ cũng là cá bống, cá rô, cá trê, cá chép, cá thu kho khô, hoặc tôm rim, thịt rim, hay ruốc, hay là trứng cáy kho nước mắm nhĩ. Làm gì có chuyện cơm Tám xoan chan nước (cái nước cà muối vừa mặn chát vừa chua). Nói để mà nói thôi – hay đúng hơn, người ta đã vận dụng để so sánh ví von. Gạo Tám xoan mà thổi đồng điếu chan nước cà cũng giống như một tài sắc mà lấy phải thằng chồng thô lỗ, cộc cằn.



Những cuộc tình duyên trái ngang chẳng thiếu ở cõi đời này. Nhưng gạo Tám xoan thổi nồi đồng điếu chan nước cà chắc chắn chưa từng xảy ra. Có điều là hai câu lục bát kia rất phổ biến ở vùng dưới tỉnh Hà Nam, nó được vận dụng trong mọi trường hợp khiến Tám xoan thêm phần sáng giá.



NGUYỄN NGUYÊN

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Nỗi Lòng của một người Liên Thủy già

Nỗi Lòng Của Một Người Liên Thủy Già Sống Xa Quê




Trinh



Nói rằng mình già thì chắc hiện nay nhiều người Liên Thủy còn già hơn nhiều,tôi mới đi thăm một ông bác họ vừa 100 tuổi,tôi còn ông cậu ruột kế mẹ tôi cũng đã ngoài 90 và một ông nữa đang sống tại Liên Thủy cũng cỡ chín mấy nữa.Nhiều người Liên Thủy xấp xỉ 90 đang sống tản mát ở Cái Sắn,Đồng Nai và Sàigòn.Tôi chỉ là hàng con cháu,nhưng các cụ ở tuổi đó giờ giỏi lắm là đi được đến nhà thờ và con cháu chưa phải đút cơm cho ăn chứ làm sao có sức lực làm chuyện gì cho người Liên Thủy ?



Tôi đang ở cỡ tuổi xưa nay hiếm,cũng chẳng còn làm được việc gì ích lợi cho ai,rồi 5,10 năm nữa lại lẩm cẩm,nhớ nhớ,quên quên.Giờ còn một chút minh mẫn ghi lại những cảm nhận về làng quê xưa ,về các anh em con cháu đang sống trong thời đại hiện nay để nói lên những cảm khái của một người già nhìn về tương lai.



Dĩ nhiên những cảm nghĩ này lan man không đầu không đuôi,chỉ ghi lại những điều chợt hiện ra trong đầu,không có sắp xếp lớp lang như một luận văn.



1-Theo cuốn Dòng Tộc Đồng Hương Liên Thủy do Cha Phạm chí Thành,cụ Phạm văn Vinh và các Thân hào người Liên Thủy đang sống tại Miền Nam góp sức soạn thảo vào năm 1996 thì cụ tổ Phạm thế Vinh là người sáng lập ra làng Liên Thủy.Tuy nhiên không có tài liệu nào tham chiếu,không rõ năm nào.Cuốn Gia Phả Liên Thủy chỉ dẫn từ khoảng đời Thánh Tử Đạo Lôrensô Phạm viết Ngôn là năm 1862(năm Nhâm Tuất),năm mà triều đình Huế phải nhượng bộ Pháp ký hòa ước nhượng ba tỉnh Nam Kỳ,còn trước đó không có ai nói đến hoặc không biết mà nói đến.Nhưng có một điều hiển nhiên là đạo Công Giáo được rao giảng vào đó từ lâu nên mới tạo ra hàng mấy chục thánh nhân quyết hy sinh mình để giữ đạo Chúa.



Sinh thời Cha Thành có giải thích cho tôi hiểu,dưới thời Pháp thuộc,người Liên Thủy học hành ít,các chức vụ hành chánh địa phương do mấy người ở làng khác được học hành khá hơn nắm giữ,nên khi gửi những báo cáo về những người Công Giáo bị lý hình nhà Nguyễn xử tử để lập hồ sơ phong thánh thì các viên chức đang nắm giữ các chức vụ hành chánh thuộc các làng khác làm hồ sơ đầy đủ cho các giáo dân thuộc làng của họ bị tử đạo,còn vì Liên Thủy không có ai trong chính quyền,không biết chữ nghĩa làm hồ sơ gửi đi,nên thiếu sót rất nhiều,vì vậy Liên Thủy tuy rất nhiều người tử đạo,nhưng chỉ được Thánh Lôrensô Ngôn,như chúng ta đã biết.Rõ ràng thiếu tri thức bị thiệt thòi rất nhiều.Nhưng dù không được phong thánh,các vị ấy chắc vẫn đang ở vị trí ngang bằng với những tử đạo khác trên nước Chúa.



Khi cải táng khu mộ các tử đạo Liên Thủy,Cha Thành,Chú Phú và những người khác đã ghi nhận hơn 40 hài cốt,có thẻ bài.Hiện chú Vạn nhà cạnh Lăng Tử Đạo còn giữ hình vẽ những thẻ bài này.Ngoài ra vì kém hiểu biết,tôi nghe kể Liên Thủy còn bị thiệt thòi nhiều về các tranh chấp đất đai công thổ với các làng kế cận nữa.



Còn theo Jos.Đặng thanh Hải trên trang Web Bùi Chu thì Liên Thủy được thành lập thời Lê dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 15 do đức cha Santa Cruz Thập(1707-1721).Có lẽ văn khố Tòa Giám mục Bùi Chu còn giữ những tài liệu về Liên Thủy,nhưng làm sao được phép vào sao chụp các văn kiện này,thì người Liên thủy phải tìm cách.Có lẽ phần lớn những văn kiện Cổ lưu tại đây là Pháp ngữ,nên trong nhóm sưu tầm phải có người rành tiếng Pháp,thì kết quả mới tốt được.



Liên Thủy là làng sống bằng nghề nông,nhưng đất đai không đủ ,dân làng phải thuê mướn ruộng làng khác để cày.Nếu tôi nhớ không lầm thì trong làng hầu như không có trâu cày,vì trong ký ức của tôi ,tôi không nhớ có con trâu đi trên đường làng.Chỉ có ở Hoành Đông là một làng thuộc lớp con cháu Liên Thủy mới có trâu !Mà đối với nhà nông thì con trâu là đầu cơ nghiệp.Đến năm 1954 trong làng có vài cái xe đạp,nhưng cũng chỉ sắm để chơi chứ đi bộ từ đầu làng đến cuối,trừ Liên Thượng ra cũng chỉ mất khoảng 20 phút là đủ,còn kể cả đến Liên Thượng thì thêm 10 phút nữa.



Vì là nông dân nên người Liên Thùy có cả những tính tốt và tật xấu của người nông dân.Tốt là hay giúp đỡ,chia sẻ nhữngkhó khăn của nhau;còn xấu là hay ganh ghét người khác giỏi hơn,giầu hơn v.v..lại hay khoác lác, bốc phét và bon chen.Hơn thế nữa cũng háo danh mua hàm nọ hàm kia,nên người Liên Thủy hầu hết đều có hàm trước tên như ông Bá nọ,ông Lý kia ,thậm chí cả chức hót tóc cũng dược gọi là ông Phó v.v. nhưng hầu hết là  chức hàm.Còn bon chen thì dân gian đã có câu “một miếng giữa làng ,bằng sàng xó bếp”.



Tôi biết có những chuyện buồn như một ông bác thấy cháu mình đỗ được bằng Sơ Học Pháp đem ra khoe, ông bác giựt lấy xé đi hoặc chuyện bà chị dâu nấu rượu lậu,ông em chồng đi tố cáo phải ngồi tù.Nhưng có ai bị tai nạn,ốm đau thì lại ra sức giúp đỡ hết lòng.Đó là cố tật không phải của làng mình mà làng nông xứ Bắc nào cũng thế,chưa kể thích khoe khoang khoác lác.



Ngày nay,nhiều người đã phân tích đặc tính nông dân ở miền Bắc kết luận là bản chất nó như thế và con cháu chúng ta nên nhìn lại với con mắt bao dung,hiểu biết,thông cảm với những chuyện không hay của người trước.



Tôi vẫn còn ấn tượng với hai việc chính mắt tôi thấy lúc khoảng 10 tuổi là thấy chú Tể con ông Tổng Biểng đang phát quang bụi tre thì có bọn Tây đến,chú ấy nói tiếng Tây xí xố vơi mấy tên lính Tây,tôi cứ trố mắt nhìn.Năm đó Tây trở lại Bùi Chu và đóng quân một thời gian ở Liên Thủysau khi đầu hàng Nhật và Nhật đầu hàng Đồng minh(vừa sau thế chiến 2).Bọn trẻ con chúng tôi hay được lính Tây cho lương khô trong đó bánh kẹo.Việc thứ hai là tôi thấy ông Giáo Roanh,nhà ở cạnh trường học giáo xứ Liên Thủy cứ chiều chiều lại ra trước nhà với cây đàn guitare chơi những bản nhạc rất hay.Sau này gặp lại ở Miền Nam trong dịp họp Đồng Hương Liên Thủy ở Nam Hòa,lúc đó ông ấy đã gần 90 còn lên sân khấu hát những bài như Con Thuyền Không Bến hoặc Trương Chi v.v…Lúc đó chúng tôi đả ngân nga những bài hát có câu :Khói mây chiều buồn vương theo gió ... hoặc những câu trong sự tích trầu cau học từ mấy anh lớn về tro học ở Liên Thủy.Người Liên Thủy cũng tài năng,hào hoa từ những ngày xa xưa dù ở trong hoàn cảnh nghèo túng.Đã 6 năm nay tôi chưa găp lại chú Roanh khi cùng ông ra Hoành Đông dự đám tang Cha Thành(26-3-2004),chắc nay ông già yếu lắm rồi.Ông có người con trai tên Thự cỡ tuổi tôi.



Ở Liên Thủy thời đó Thiếu nhi Thánh Thể đi lễ trai gái đều mặc áo dài.Bọn tôi cứ đùa nhau : “ Đầu thì đầu tọc,nễ thì nễ tọng,đi thì đi tưa,đầu thì nắc na nắc nứ “ .Mặc Áo dài thú nhất là lúc hôn thánh giá Phục Sinh,cứ cầm vạt áo quơ nổ trong quan tài Chúa vun vào vạt áo,xong ra là tha hồ ăn.Bây giờ nhớ lại vẫn còn buồn cười.Chắc Chúa đã tha tội cho chúng tôi ngay lúc đó.



Hồi đó đi lễ cha xứ đọc toàn tiếng Latin.Ngày lễ Phục sinh các thầy Dòng Đồng Công có một ca đoàn hoành tráng,nhưng chả ai hiểu gì cả.Chỉ có vài bài hát : mẹ ơi đoái thương ,lạy mẹ là ngôi sao sáng v.v. Nhưng bài hát Manhificat thì thật hay.Bây giờ muốn nghe lại cũng không được.



Làng Liên Thủy ít ruộng,một năm hai vụ mấy tháng là xong còn chẳng có việc gì làm,chỉ đan lát,trồng mấy cây rau trong vườn,thả mấy con gà,con lợn còn có rất nhiều thì giờ đi nhà thờ dự lễ ,đọc kinh.Có người đi buôn muối,buôn ngô nhưng chẳng đáng kể.Tôi nhớ có lần trời mưa to,cậu Út tôi và tôi đem chiếc vó ra cây cầu bắc qua cánh đồng Bùi Chu lưới cá nhưng chẳng được con nào ngoài mấy con cua rạm trôi to và mẩy hết ý,nhưng chẳng bõ công gì.Con sông như thế mà không có cá mới lạ.Hình như nhà ai có cái vó bè ở khúc sông gần cây cầu tre bắc sang Tòa Giám Mục nhưng lâu lắm mới bắt được mấy con cá bé tí.



Ngày xưa sự cách biệt giầu nghèo ở Liên Thủy là không đáng kể.Ngày nay ở miền Nam theo tôi biết có mấy người Liên Thủy khá giầu ,tài sản của họ có thể mua được nửa làng,nếu không nói là cả làng cũ.Tầm nhìn của họ rộng ra,xa ra và bận rộn nên không rõ có thì giờ nhớ đến nơi phát sinh ra tổ tiên mình ?Vì thời gian đã quá xa vời,con cháu bây giờ đâu có chôn nhau,cắt rốn ở Liên Thủy.Cụ thể là tôi có những đứa cháu nội cháu ngoại chẳng biết Liên Thủy là cái gì vì chúng nó còn bận học hành,đi làm để đạt được những mục tiêu mà nó đang theo đuổi như bằng Thạc sỹ,Tiến sỹ,mua sắm nhà của,xe cộ v.v...Viết như thế sẽ đụng chạm người này người kia ,nhưng như tôi đã nói ban đầu chỉ là những ý nghĩ chợt lóe ra là viết thôi.



2 - Liên Thủy của tôi ơi,tôi đã rời xa hơn nửa thế kỷ,vẫn biết quê hương mình nghèo khó,như Chế lan Viên đã từng viết :



Khi ta ở,chính là nơi đất ở,


Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.



Đất quê hương đã giữ hồn ta suốt mãi cuộc đời mà thỉnh thoảng nằm mơ về nơi ở cũ vẫn thấy phảng phất niềm nhớ thương những con đường,những bụi tre lưu những bước chân vụng dại tuổi thơ cùng khuân mặt những người thân yêu một thời nay tất cả đã không bao giờ gặp lại,hoặc đã đi vào cõi vô biên,vĩnh hằng.



Điều tôi muốn nói ở đây là ngày nay những người Liên Thủy sống rải rác khắp miền Nam và cả ở nước ngoài,cái không gian mênh mông rộng lớn đó khác xa với làng quê khi xưa gặp gỡ nhau hàng ngày trên đường làng,ở nhà thờ,hàng ngày chuyện gì xảy ra với ai,mọi người đều biết.Còn hiện nay ,trừ cha mẹ và con cái cùng anh em ruột,còn các cháu cỡ đời thứ ba trở đi,nhiều người không biết nhau.Nhiều khi họ ngồi chung một bàn trong bữa tiệc mà không nhận ra nhau là họ hàng!Thảng hoặc có vài người còn quan tâm đến gia phả nguồn gốc,còn hầu hết bị lôi cuốn vào vòng xoay của đời sống áo cơm và những khó khăn trước mắt.Nên tình đồng hương ngày càng phai lạt dần so với thời gian đầu mới thành lập.Một muỗng muối pha vào ly nước thì mặn chứ cho vào cái ao thì thấm tháp gì?



Vả lại thế hệ đầu tiên ly hương cứ nghĩ rằng sẽ vĩnh viễn không còn dịp trở về quê nữa nên rất trân trọng những gì thuộc về chốn cũ quê xưa.Ngày nay đi thăm nhau khá dễ dàng,muốn về thăm quê cũ cũng đơn giản.Do đó tình cảm thân thiết giũa nhũng người đồng hương không còn được mặn mà như xưa?



Đàng khác,đối với thế hệ trẻ,thế giới của họ ngày nay không còn là cái ao làng nhỏ bé mà cả thế giới bao la.Tư duy của lớp già thì chật hẹp còn giới trẻ thì mênh mông,nhất là khi họ đã tiếp thu được những kiến thức rộng lớn của nhân loại ,lãnh vực hoạt động của họ không chỉ ở một thành phố mà còn xuyên quốc gia thì hà cớ gì bảo họ cứ phải ngâm mình tắm mãi trong cái ao tù chật chội.



Chính vì suy nghĩ như vậy,nhiều người lo âu về tính bền vững cũa Đồng Hương Liên Thủy,chưa kể những người tích cực cho đồng hương nhất thì nay hoặc đã qua đời,hoặc già yếu bệnh tật không còn giúp gì được cho tổ chức này còn giới trẻ thì thờ ơ !Cũng nên biết rằng nhiều người biết rõ Đồng Hương Liên Thủy có mặt mấy chục năm nhưng không lần nào tham dự!



3 – Ngày nay người làng Liên Thủy đã đi tứ tán khắp nơi không phải chỉ trong nước mà còn nhiều nơi trên thế giới.Chính những người gốc Liên Thủy bây giờ nhiều gia đình cũng chân trong chân ngoài nghĩa là cũng ra ngoài làm ăn và lấy làng quê làm gốc.Nhưng một khi đã có cơ sở vững chắc ỡ nơi khác ,chân ngoài dài hơn chân trong thì tình trạng này kéo dài được bao lâu.



Tình thế đã thay đổi,lòng người cũng đổi thay,còn chăng là những con người năm xưa có giữ trong lòng mình một chút hoài niệm ấm áp về một phần đời đầy ắp tình yêu thương nơi quê cũ./