Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Nhớ hồi nhỏ ở quê

Nhớ hồi nhỏ ở quê




Trinh



Ít bữa nay cắm cúi soạn lại Gia Phả Liên thủy,phần dễ làm vừa hết,bây giờ tới phần hóc búa,tôi đọc đi đọc lại mãi mà chưa biết phải trình bày thế nào cho mọi người dễ hiểu và cả tôi cũng có thể hiểu.Thôi thì tạm ngưng cho đầu óc tỉnh táo.



Nay đã vào gần cuối năm,nhớ lại những chuyện nghịch ngợm thời tuổi thơ ở quê tự nhiên thấy lòng mình trẻ lại và tự nhiên thấy thương yêu những người anh em cùng trang lứa lúc đó vô cùng.



Năm tôi được khoảng 6 tuổi,lúc còn ở Hoành Đông,vào dịp cuối năm,lúc lúa vừa cấy xong,tôi không nhớ tại sao lại ra cánh đồng lúa phía sau và cách nhà khoảng một cây số vào buổi chiều và phát hiện rươi đang ào ào bơi trên mặt ruộng,tôi vội chạy về nhà nói cho mẹ tôi biết rồi xách theo một cái nồi đồng nhỏ,một cái vợt bằng vải màn,đi vớt rươi.Những năm trước tôi chỉ biết ăn rươi mà chưa biết cách bắt rươi như thế nào thì bây giờ là lúc tôi thực hành lần đầu tiên và duy nhất trong đời vì mãi mãi sau này tôi không bao giờ còn có dịp đi hớt rươi nữa.



Khi tôi trở lại khu ruộng có rươi thì đã có khá nhiều người cũng đi bắt rươi.Trẻ con như tôi thì chỉ có cái vợt vải màn,còn người lớn thì đồ nghề đầy đủ hơn,có săm là loại túi bằng vải màn chăng ở bờ ruộng chỗ nước chảy,rươi trôi theo nước chạy vào túi săm,nên bắt được nhanh và nhiều hơn.Còn nếu dùng vợt thì chỉ chao qua chao lại những con rươi trôi trước mặt,số lượng ít hơn nhiều nhưng rươi bắt được không lẫn rác rưởi.



Tôi không còn nhớ rõ lắm,nhưng có lẽ khi đó là buổi chiều,gió rét căm căm và hình như lại có mưa nho nhỏ nhưng những con rươi màu xanh,màu vàng cứ ào ào trồi lên mặt nước khiến đoàn người đi bắt rươi lội tới lội lui cho tới tối mịt mới chấm dứt công việc và sau này tôi nghe kể càng về muộn rươi càng trồi lên nhiều hơn,nhưng chỉ có thể bắt được bằng săm,vì tối quá không còn nhìn thấy con rươi nào nữa.



Con rươi vớt lên rất dễ dập,chảy chất giống như sữa ra,nên phải nhẹ nhàng,khi vớt được kha khá mới đổ vào nồi chứa,xong lại tiếp tục vớt.Cỡ như tôi một lần như vậy chỉ vớt được khoảng một bát cơm đầy rươi,nhưng mê lắm,không thấy rét,không thấy đói,không biết mệt,chỉ đến khi tối mịt mới phải bỏ về.Nhưng mà rươi cũng không nổi lên trong thời gian dài,có khi chỉ vài giờ là hết.Mỗi năm chỉ được một lần hoặc hai.Cho nên rươi mới là đặc sản vùng gần biển và là món ngon ai ăn rồi cũng nhớ mãi và mong tới vụ sau !Sau này về ở Liên Thủy,tôi không còn có dịp đi vớt rươi và thậm chí không được ăn các món rươi,cho đến nay đã hơn 60 năm.Hôm rồi đọc Vũ Bằng nói về rươi tự nhiên nhớ quê vô cùng.



Ở Liên Thủy tôi là thằng bé nghịch ngầm.Liên Thủy có rất nhiều ao,nhà nào cũng có,có nhà có tới hai cái ao.Thường thì trong ao người ta nuôi cá mè,cá trôi,cá chép;nhưng ao nào cũng lẫn vào những con cá quả hay cá chuối (miền Nam gọi là cá lóc),cá trê và lươn.Nhiều ao chẳng nuôi cá gì cả mà chỉ thả bèo cái nuôi lợn một phần ao,phần còn lại ngăn bèo bằng bè rau muống dùng đê rửa ráy giặt giũ.Tôi hay đi câu cá trê vào ban đêm,nhất là vào khoảng tháng 7,tháng 8 âm lịch.Câu cá trê thì dùng mồi giun,có xỏ cục chì hình đầu viên đạn vào sợi giây câu ngay phía trên lưỡi câu.Trước khi buông lưỡi câu xuống nước thì dùng cần câu nhấc lên thả xuống cho cục chì tạo ra tiếng kêu tõm tõm cốt gọi cá trê tới sau đó mới thả lưỡi câu đã móc mồi giun xuống.



Đi câu phải quan sát chỗ ngồi câu tại ao nào có khả năng nhiều cá trê.Tôi còn nhớ câu “ao rậm thì lắm cá trê”,thế là ao nào có nhiều gốc tre và trông rậm rạp là tôi nhắm tới.Có lẽ chẳng ai cấm câu cá trê trên ao nhà họ,mà hầu hết là bà con ,trong làng cũng chẳng thấy ai câu cá cả,nhưng câu cá trê vào ban đêm cỡ 8.9 giờ tối tôi thấy chẳng ai ra đường,chẳng thấy ai la rầy gì.Nhất là cũng chỉ thỉnh thoảng sáng trăng mới đi câu một lần,chớ trời tối có lần câu được con rắn ráo tưởng là lươn,khi coi kỹ lại hết hồn luôn.



Câu nhiều lần,nhưng mỗi lần cũng chỉ được vài con cá trê,có khi cá chuối,có khi lươn,nhưng điều thú vị nhất là khi có cắn câu,cảm giác hồi hộp và căng thẳng lạ lùng.Con mồi nhấp mồi nhè nhẹ,khi nó quyết định nuốt mồi thì giựt mạnh sợi giây câu,lúc đó mới được giật cần câu.Thời gian chỉ năm đến mười giây nhưng cảm xúc thì tuyệt vời không biết diễn tả thế nào cho đúng,cho đủ.



Chình vì cứ nghịch ngợm như vậy,nên không chăm chỉ học hành,có lần bố tôi đã viết cho tôi một bức thư dài nhắc nhở tôi phải lo học hành,nội dung giống như những bài tôi đã có lần được đọc trong cuốn TÂM HỒN CAO THƯỢNG (Les Grand coeurs)của Edmond De Amicis do Hà Mai Anh dịch.Đó là những ngày ngắn ngủi mà tôi được ở cạnh bố tôi do chiến tranh và công việc của bố tôi ở Hoành Đông.Từ đó tôi không còn dám quậy phá nữa vả lại tôi cũng đã lớn dần,biết suy nghĩ chút ít rồi.



Cũng nên biết rằng ở Liên Thủy thời đó cỡ 13,14 tuổi là bắt đầu phải bỏ học ở nhà vì chi phí học hành tốn kém,trường xa,chỉ những ai đi tu thì nhà Chung lo cho còn gia đình hết khả năng rồi.Vì vậy cỡ tuổi đó sẽ dần dần làm quen với việc đồng áng rời xa ghế nhà trường.Biến cố 1954 đã đảo lộn làng mình,làm thay đổi nhiều cuộc đời,tốt xấu chưa thể đánh giá được.



Đã hơn nửa thế kỷ qua đi,những người ngày ấy nay đã thành ông thành bà và thành cụ cả rồi,những người ở lại thì cũng thế,nhưng lớp trẻ ngày nay ở làng ra sao.Nhà thờ có còn là Trung Tâm sinh hoạt của mọi người như xưa ?Lớp trẻ đã tiến lên như thế nào trong muôn vàn khó khăn giữa những đổi thay hàng ngày trong xã hội?Ngày nay cuộc sống rộng mở,nhiều người phải bon chen kiếm sống nơi thành thị đầy cạm bẫy xa hoa quyến rũ,liệu có còn giữ được phẩm giá truyền thống của tổ tiên ?

Không có nhận xét nào: