Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Chuyện Dạy Con

Chuyện Dạy Con




Sói Già Ngơ Ngác
--------------------------------------------------------------------------------

1.

“ Lớp có 30 học sinh, 90% số học sinh trong lớp thích Toán, 80% số học sinh thích vẽ. Hỏi có bao nhiêu học sinh thích Toán và bao nhiêu học sinh thích vẽ ? ”


Hôm qua, hắn đi làm về, mệt quá leo lên võng chợp mắt chút trước giờ cơm tối thì bị dựng dậy bởi cái đề Toán của ông con, đang buồn ngủ, đầu óc lơ mơ, đọc mãi chẳng hiểu gì ráo.

Ông con bảo : 90% = 9 x 3 = 27 học sinh, 80% = 8 x 3 = 24 học sinh, cộng lại cả thảy là 51 học sinh, trong khi lớp chỉ có 30 đứa, vậy là sao hở cha ?


Cha ..chịu.


Giải thích với con trai rằng trong đó có thể có học sinh thích cả Toán lẫn Vẽ, do đề bài sai nên nó thành vậy.

Ông con gân cổ cãi, Sách Giáo Khoa mà sai thì còn gì nói nữa, Toán thì phải chính xác 2 với 2 là 4 chứ.

Hắn cười trừ.


Đời thiếu gì cái lẽ ra phải chính xác như 2 với 2 là 4 mà vẫn cứ sai lòi ra con ơi, sai mặc nhiên, đương nhiên và hồn nhiên.

Chẳng hạn cái tên trường tiểu học của con, trường của một anh hùng ( đương nhiên con tin sái cổ ) , anh hùng bán đậu phộng rang đốt kho xăng của địch.

Cha giải thích cho con rằng anh ấy còn giỏi gấp mấy lần mấy cha nội trong phim hành động Mỹ, chưa kể, anh ấy còn là thần tiên nữa, vì bình thường đek thằng nào tẩm xăng cháy như đuốc mà chạy quá 2 mét. Mà thần tiên thì, con biết đó, chỉ có trong truyện cổ tích thôi.


Chưa kể, con biết rằng nhà của con người lạ không dễ gì vào, chưa nói đến kho bom đạn quân sự, theo con thì bao nhiêu lớp cổng, lớp canh gác mới vào tới, bộ hết chỗ bán đậu phộng rang à ?


Dóc ông nội, xạo từ SGK.

Con ờ à, chẳng biết có hiểu hay không, kết quả cha bị cô giáo mời gặp vì con nói với bạn bè chuyện là vậy, bạn bè không tin, con không giải thích lại, đành vin vào cái cớ với con là khả tín nhưng với bạn bè con thì chả có kí lô nào, rằng tao biết điều đó vì cha tao nói thế.

Cô giáo đề nghị cha không nên nói chuyện tầm bậy tầm bạ với con, cha nổi quạu và ráng lắm mới có thể nhỏ nhẹ với cô rằng : Thưa cô, tôi không nói chuyện tầm bậy với con tôi, mà tôi dạy nó, cô cũng có gia đình, cũng có con nhỏ, cô có muốn dạy con mình chuyện dối trá không ?

Con à, con cứ thắc mắc hoài tại sao con đang học trường điểm, trường khang trang, rộng rãi vậy mà cha lại chuyển con về trường ở ngoại ô, nghèo nàn, nói theo kiểu của con là trường này nhìn rất “ cùi bắp”.

Cha tảng lờ không muốn trả lời.


Thì đây, cha chuyển con về trường ngoại ô bởi vì tên trường chỉ thể hiện chính xác cái vùng mà trường con tọa lạc, cái tên trường mà bao nhiêu lớp học sinh đi qua không bị nhồi vào đầu rằng trường này mang tên đứa này đứa nọ, là anh hùng, là vĩ nhân, là cái con tườu gì cha cũng chẳng biết.

Và cha không muốn mỗi khi đón con về, cha phải bước qua cái bảng tên trường mà có cảm giác như bị ai thoi một nhát vào yết hầu, con à.

Vậy thì, cha chuyển trường con vì cha ghét cái trường cũ của con, cha ghét ai nhồi vào đầu con cha sự dối trá, đơn giản chỉ là vậy thôi, và con thấy chưa, chuyện học hành của con mà cha quyết định theo cảm tính yêu ghét của cha, chuyện đó rõ ràng là sai, đúng không cậu bé ?

2.

Nhà mình theo nếp người Bắc, trong nhà tôn ti trật tự rõ ràng [sup](1)[/sup] , mẹ con dạy các con rằng con cái đi phải hỏi về phải trình, nói năng vâng dạ đàng hoàng, ăn cơm phải mời người lớn, theo đúng tôn ti trật tự lớn nhỏ thì cha - mẹ - con – em gái con.


Cá nhân cha, cha thấy cái vụ mời mọc ăn cơm chán chết, ăn thì ngồi vào chúc cả nhà ngon miệng, rồi cưa đứt đục suốt cho nhanh còn làm việc khác.


Thế rồi con thắc mắc, tại sao trật tự trong nhà người nhỏ phải tôn trọng người lớn hơn, và điều đó phải được tôn trọng và tuyệt đối thi hành, giống như 2 với 2 là 4 vậy. Em con muốn nói chuyện với con phải gọi con bằng anh Hai đàng hoàng, phải dạ thưa với con, mẹ nhỏ hơn cha, tại sao thỉnh thoảng mẹ vẫn nói trống không với cha, mẹ vẫn nói chuyện với ngữ điệu mệnh lệnh, không phải là câu cầu khiến, tại sao cha không nhắc nhở mẹ ?

Cha tảng lờ không muốn trả lời.


Thì đây con ơi, cha chấp nhận vì thật sự vợ chồng không ai lớn hơn ai, cha và mẹ bình đẳng, cha chấp nhận chuyện thỉnh thoảng căng thẳng chuyện gì đó mẹ con có quyền nói vậy, hơn nữa, khi nhìn gần, con thấy rõ mọi chuyện hơn, nhưng khi con lùi lại, cái nhìn của con sẽ rộng hơn, bao quát hơn. Điều đó bảo đảm cho những quyết định của con có độ chính xác và khách quan hơn cậu bé à.

Hơn nữa, chuyện này nói riêng đàn ông với nhau thôi nhé con trai, cha cưới một người phụ nữ có giọng nói của sỹ quan với trái tim và cá tính của lính thủy quân lục chiến. Nên lúc chiến sự khói lửa tưng bừng, bảo cãi lệnh thì cha chẳng dại.

Vậy đấy, người lớn hơn phải nghe lệnh người nhỏ hơn, con thấy lại một chuyện lẽ ra phải đúng giờ thành sai một cách mặc nhiên chưa ?

3.


Cha dạy con rằng, đàn ông thì phải tháo vát, những chuyện nặng trong nhà thì phải biết làm, cưa, búa, đục, cờ lê, mỏ lết là đồ nghề của đàn ông, cây kim sợi chỉ là đồ nghề của phụ nữ.


Cha cũng dạy con rằng, chuyện gì mình làm được thì đừng nhờ người khác, chỉ nhờ khi nào việc đó vượt quá sức mình.

Thế nên, khi thấy con hì hục vặn vẹo sửa xe đạp của con, cho muốn phụ con một tay cho lẹ, nhưng đành đứng nhìn, vì cha không muốn con mình sau này trở thành một thằng đàn ông – hàng mã.

Thế rồi, khi con mang bộ đồ thủ công từ lớp về nhà, cô giáo bắt con may một cái quần cụt bằng giấy, thú thực, cha suýt chút nữa thì sái quai hàm vì ngạc nhiên đến há hốc miệng.

Mẹ không rảnh, trong khi con phải nộp gấp, cha đành phải giúp con làm, con nhìn cha xỏ chỉ vào kim, may từng mũi để hoàn thành cái bài tập thổ tả đó. Con lại chất vấn cha : cây kim sợi chỉ là của phụ nữ, sao cô lại bắt con làm ?, và tại sao cha cũng biết làm ?

Cha tảng lờ không muốn trả lời.

Thì đây con à, đàn ông đôi khi phải biết cầm cây kim sợi chỉ, vì quần áo của cha hồi xưa do ông nội con vá vì bà nội không còn, vì khi cha lớn đi học ở trọ xa nhà, cái áo đứt nút không tự đơm lại thì biết nhờ ai, cái bụng đói meo không biết bắc nồi cơm, kho chút cá thì biết lấy gì bỏ bụng trong khi tiền bạc hạn hẹp không thể ăn tiệm ? Cái thân không thể tự lo thì biết bấu víu vào đâu hở cậu bé ?

Vậy đấy, chuyện bếp núc kim chỉ đôi khi vẫn là của đàn ông, con lại thấy nó sai chưa ?

Thế nên con ơi, chuyện bổn phận và công việc của đàn ông phụ nữ trong nhà, trong một gia đình, không thể tính bằng phần trăm thích Toán hay phần trăm thích Vẽ như đề bài Toán của con, vì đơn giản rằng, phải có người thích cả Toán lẫn Vẽ con à.

Nếu không, cái đề bài Toán ấy sẽ sai bét.

Quan điểm sống không phải là toán học, không phải là hằng số, nó luôn thay đổi theo thời gian con trai ơi.

Nên nếu sau này trên đường đời con bước, có ai có thắc mắc với con 2 với 2 thậm chí là 8 chăng nữa, con ạ,

Cứ tảng lờ đừng trả lời.

[sup](1)[/sup]Chỉ là một ý diễn đạt, vì khả năng ngôn từ có hạn, nên không tìm ra cách diễn đạt khác , người viết không có ý phân biệt, chê bai hay thành kiến vùng miền, nếu có gây sự hiểu lầm, xin người đọc rộng lượng.

Không có nhận xét nào: