Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

HOÀNH ĐÔNG,NHỮNG GÌ TÔI BIẾT


HOÀNH ĐÔNG,Những Gì Tôi Biết

Chu Trinh

Thấm thoát đã hơn 60 năm,tôi xa Hoành Đông có lẽ là từ năm 1950 để về Liên Thủy chữa thương và đi học,tuy sau đó có trở lại mấy ngày,lúc Hiệp định đình chiến Geneve 1954 vừa ký kết.Đến năm 2004 tôi có trở lại nhân dịp đám tang Cha Phạm chí Thành xong lại trở về Miền Nam ngay,nhưng hơn 10 năm tuổi thơ sống ở Hoành Đông đã để lại trong lòng tôi biết bao tình cảm và những kỷ niệm không bao giờ quên.

Bây giờ viết về Hoành Đông thì miên man lắm,nhưng chỉ là những chuyện riêng tư.Hôm nay tôi xin nói về Hoành Đông một cách chung chung để các thế hệ trẻ có nhu cầu biết sơ về vùng đất một thuở là nơi khởi nghiệp của tổ tiên;vùng đất này là đứa con tự nhiên của quê hương Liên Thủy.Tuy nhiên cũng chỉ là sơ sơ thôi vì những tài liệu ghi lại về Hoành Đông hầu như chẳng còn gì.Lý do là hoàn cảnh đất nước loạn ly gần 100 năm qua,những vị có hiểu biết về chốn quê này lần lượt qua đời,chẳng để lại bút tích gì.Hơn nữa chúng tôi ở xa,cũng chẳng thể liên lạc được với các vị thức giả còn sinh sống ở quê nhà nên không thể có được các tin tức bổ sung vào cho đầy đủ.Mong quí đồng hương góp thêm tài liệu và ý kiến.

Hoành Đông là con đẻ của Liên Thủy
Bản đồ xã Giao Thiện
 



Nhà thờ mói Hoành Đông(theo svcg Bùi Chu)

 Hoành Đông nay thuộc Xóm 27,xã Giao Thiện,Huyện Giao Thủy,Tỉnh Nam Định.Còn truy theo lịch sử thì vùng đất này hình thành do sự bồi lấp của phù sa sông Hồng.
 
Chỉ trong vòng trên dưới một trăm năm kể từ sau khi “Hội phá Ba Lạt” 1787 (Hội Phá Ba Lạt là một biến cố lũ lụt lớn tách Vùng đất xã Nội Lang thuộc Tổng Đông Thành, Phủ Kiến Xương Tỉnh Thái Bình nằm về phía Tả ngạn sông Hồng, chuyển phần lớn diện tích từ Tả sang Hữu ngạn sông Hồng,  thuộc Huyện Giao Thủy , Tỉnh Nam Định. Ngày nay xã Giao Thiện gồm làng Hoành Đông,kế cận xã Giao Hương, ở gần cửa sông Ba Lạt hơn là do phù sa mới bồi lấp.Theo bản đổ Google cửa sông Hồng (cửa Ba Lạt)phù sa đã bồi lên hàng vạn hecta và với thời gian, vùng bồi lấp càng lớn dần.Cửa sông Ba Lạt mở rộng ra,muốn sang Thái Bình phải đi đò,còn trước đó chỉ bắc cầu tre buộc bằng BA CÁI LẠT. Đặc biệt khu vực cửa sông đã bồi thành khu Cồn Ngạn- Cồn Lu- Cồn Mờ được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển đất ngập mặn Nam đồng bằng sông Hồng, chứa đựng những hoạt động kiến tạo địa chất và đa dạng sinh học có có tầm quan trọng quốc tế . Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển Nam Đồng bằng sông Hồng lớn hơn 105.558 Hecta, trong đó có 66.256 hecta đất liền ven biển, 39.302 hecta mặt nước thuộc 25 xã của các Huyện Kim Sơn  (Ninh Bình)- Nghĩa Hưng- Giao Thủy (Nam Định)- Tiền Hải- Thái Thụy ,Thái Bình .Nhưng khu này chỉ mới hình thành sau những năm 1954.
 
Công cuộc khai hoang lấn biển ở thời này được đánh dấu bằng sự kiện Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ lập ra tổng Hoành Thu vào năm 1828. Kế đó Phó bảng Đặng Kim Toán người Hành Thiện đã giúp dân tiến hành công cuộc khai hoang lập nên mảnh đất (tổng)Lạc Thiện (1). Theo truyền thuyết tại địa phương và tư liệu “Từ đường biên ký” của dòng họ Trần biên soạn năm Nhâm Tý (1912) thì công cuộc khai hoang của cụ Phó bảng Đặng Kim Toán được ghi cụ thể như sau: “Năm Tự Đức thứ 10 (1857), Phó bảng Đặng Kim Toán về đây khai hoang mở đất. Năm Tự Đức thứ 13 (1860), lấy cột đá chôn để phân định mốc giới, tiến hành làm hộ tịch và cấp quân điền cho nhân dân. Thống nhất lấy tên đất, tên làng theo tên gọi cũ thuộc huyện Xuân Trường để đặt tên cho làng xã vùng đất mới. Công cuộc khai hoang lấn biển tạo dựng làng xã quê hương ở vùng đất mới Giao Thiện là do cụ Phó bảng Đặng Kim Toán khới xướng diễn ra từ năm 1857 đến năm 1860 thì hoàn thành. Một vùng đất rộng lớn, phì nhiêu màu mỡ hiện nay thuộc các xã: Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Thiện huyện Giao Thủy được hình thành và phát triển.

Cũng có tài liệu ghi :Triều Tự Đức năm thứ 7 (1858), một số người làng Hành Thiện kết hợp với một số người gốc Giao Thuỷ nhờ cụ Đặng Kim Toán (người làng Hành Thiện) là tổng đốc tỉnh Nghệ An dâng sớ xin triều đình cho khai khẩn đất mới ở Giao Thuỷ lập thành 8 ấp mới, các ấp đều lấy tên làng xã cũ đặt tên cho ấp mới là Phú Nhai(Phú Hương?), Phú Ninh, Hoành Đông ( Liên Thủy ), Thượng Phúc, Lạc Nghiệp, An Cư, Lục Thuỷ, Hoành Tam.


Còn theo cụ Phạm văn Vinh( nay đã trăm tuổi) ,cụ sinh ra tại ngay Hoành Đông thì Người Liên Thủy mua đất lập nghiệp ở Hoành Đông từ khoảng cuối thế kỷ 19 đầu 20 ,có các cụ Hương Tế,Ang,Hổ (con Thánh Ngôn ?),cụ Liễn(chi tộc cụ Trân),cụ Lang,cụ Trác và cánh cháu chắt cụ Quì.Điềm mặt những  hậu duệ của thánh Ngôn đã từng sống ở Hoành Đông như cụ Tiếu ( cháu nội Thánh Ngôn,con cụ HỔ)con là ông Bài(rể của cụ Phụng);cụ Phạm văn Bút(Trùm Đốc),Phạm văn Bạ v.v con cháu họ hiện còn sống tại Hoành Đông khá đông đảo như ô.Chi,ô.Rược( ô. trùm có công xây nhà thờ mới Hoành Đông,lúc Cha Thành về hưu tại Hoành Đông) và còn nhiều người nữa...

Con cháu cụ Quì ở Hoành Đông cũng chiếm đa số như Cụ Trùm Rư,cụ cố Quảng, cụ Phụng,cụ Trùm Chí,cụ Lý Huấn,cụ Vịnh.Ngoài ra còn các nhánh khác như các cụ Cực,Đoan ,Khới(con cháu cụ Trùm Khôi Liên Thủy,Cụ Lịch,cụ Khản,cụ  Trùm Tiên v.v.

Cụ Vinh cũng kể rằng lúc mới khai mở Hoành Đông,đê điều ngăn mặn chưa hoàn thiện,mỗi khi có bão lũ,nước ngập mênh mông,nhà thờ Hoành Đông chỉ là nhà tạm mái lá,vách đất,họ Hoành Đông thuộc xứ Phú Thọ.Đến năm 1930 có các cha Trị và cha Hưởng đứng ra xây nhà thờ kiên cố đầu tiên,nhờ đóng góp của mọi người vừa công vừa của và nhà thờ có mấy mẫu cói giao cho người ta thu hoạch lấy tiền mua vật liệu xây nhà thờ và phải 6 năm mới hoàn thành.

Con đường đi suốt từ Cửa Ba Lạt(ấp Phú Hương) rồi Phú Ninh qua làng Hoành Đông,Hoành Tam,Lạc Nghiệp ,Phú Thọ ...tới tận Ngô Đồng ngày tôi ở đó còn là đường đất,nhưng khá kiên cố.Nhà nào cũng có hàng rào bằng tre gai vây quanh nhà.Mỗi nhà đều có ao thả cá,có lẽ là cần lấy đất đắp nền nhà và vườn rau? Giống hệt Liên Thủy !

Nhà cửa ở Hoành Đông thường làm kiểu ba gian hai chái,cột thường bằng gỗ lim có chạm khắc rồng,phượng,nhưng vách tường có rất ít nhà được xây bằng gạch mà là phên tre hoặc cao hơn là bằng gỗ đóng thành một miếng khung gỗ lắp vào vừa một gian nhà.Vách còn làm bằng khung tre rồi nhồi bùn đất với rơm trét lên khung tre khá chắc chắn nhưng muốn bền phải tránh được nước mưa tạt vào nên mái nhà phải che được tường.

Ngoài nhà chính,ở Hoành Đông nhà nào cũng có nhà phụ,làm kề nhà chính ,thường làm theo góc thước thợ để trữ thóc,xay giã thóc gạo ,chuồng nuôi lợn,gà và chuồng trâu;ngoài ra còn có ao cá,vườn rau,chung quanh nhà là dậu tre.Chưa kể có cả một cái sân phơi thóc bằng đất nện,nhà khá thì trải vữa(vôi+mật ).

Mỗi nhà có đống rơm,đống rạ để dành cho trâu ăn khi mùa đông,mùa lũ không có cỏ cho trâu ăn và đế làm chất đốt nấu ăn hàng ngày

Mái nhà đa số được lợp bằng rạ là sản phẩm trồng lúa,riêng một số ít thì lợp bằng bổi có lẽ là cói dệt chiếu loại ra nhưng ngắn.Mái nhà lợp như vậy rất dầy có khi hơn một thước ta (0,40cm),rất bền,hơn hẳn lợp bằng rạ mau mục.

Ngoài con đường làng thẳng tắp,hai bên đường là nhà ở,còn có một con Đê Tràn ngăn sóng biển cách song song với đường làng khoảng 1km,bên ngoài đê là bãi bồi mỗi năm một rộng ra chỉ có cỏ năn  và sú vẹt mọc,xa xa là biển Đông mênh mông.Có lần tôi đã ra đó thả cho trâu ăn cỏ,như những người khác.Cứ để cho trâu tự do,đến chiều chúng tự tìm vào bờ đê và bọn trẻ lại cưỡi trâu về nhà!Trâu đi ăn cỏ sẽ bơi theo con sông ở giữa làng  chạy suốt từ Đầu Đạc(nhà cụ Trùm Chí) giáp sông Thanh Nhang tới bờ Đê Tràn.Hồi nhỏ tôi cứ tưởng con sông Hoành Đông to lắm,năm 2004 về nhìn lại thì thấy nó chỉ là con lạch nhỏ rộng khoảng 7m !Nhà cửa nay người làng đã xây dựng lại bằng các vật liệu mới,có đúc lầu bê tông,còn không thì cũng xây bằng gạch,lợp ngói.Hàng tre xanh đặc trưng làng quê Bắc Bộ nay phá hết trông quang đãng hơn,nhưng nó đã mang đi mất hồn quê mà người xa xứ vẫn hằng ấp ủ trong lòng.

Khai phá một vùng đất hoang toàn cỏ dại và sú vẹt,chưa có đê điều bảo vệ,chưa có nhà cửa đường đi,thì những người khai phá phải gian khổ thế nào,khỏi cần kể ai cũng biết, lại dùng toàn sức người !
Gian khổ biết chừng nào.

Hoành Đông nay đã có cha xứ chuyên trách,nhà thờ cũ đã được xây mới xinh đẹp như những hình ảnh độc giả đã thấy,do công đóng góp của nhiều người con Liên Thủy khắp nơi.Nhưng nó chỉ là một trong những đứa con của làng chính Liên Thủy mà vì sự phát triển của dòng họ Phạm rất lớn,không gian chật hẹp của Liên Thủy không đủ chỗ cho các con cái sinh sống nên phải bung ra  tới Hoành Đông và còn ở các khu ĐỆ NHỊ,ĐỆ TAM nữa,tuy không đông đúc như Hoành Đông,nhưng tất cả cũng là ba đứa con của mẹ Liên Thủy.

Trước đây sáng tối,chuông nhà thờ reo vang và mọi người lại hướng vế nhà thờ để cầu nguyện dù không có linh mục,ngày nay chắc càng sầm uất hơn vì có chủ chiên hướng dẫn.

Đời người ít ai được một trăm năm,nhưng 100 năm qua đi rất nhanh và thế giới chung quanh thay đổi rất nhiều.Hoành Đông cũng đã chật chội và con cháu Hoành Đông sẽ phải bung đi những nơi khác như cha ông Liên Thủy để tìm đất sống,không chỉ ở trong nước và còn khắp năm châu.Ai biết được tương lai ?


(1) Trước năm 1954, Hoành Đông là xã Đông Thiện,thuộc Tổng Lạc Thiện,Huyện Giao Thủy,tỉnh Bùi Chu.

Không có nhận xét nào: