Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Ký Ức Tuổi Thơ về Liên Thủy

nhà thờ Liên Thủy


KÝ ỨC TUỔI THƠ VỀ LIÊN THỦY



Trinh



Cuộc đời tôi không có nhiều kỷ niệm về quê Liên Thủy,có lẽ vì hoàn cảnh gia đình tôi ở hai quê là Hoành Đông và Liên Thủy.Hai nơi này tuy hai mà là một vì cái nọ xuất phát từ cái kia.Nhưng ít nhất thì cho đến năm 7 tuổi tôi sống ở Hoành Đông.



Hoành Đông tôi còn nhớ :


Hoành Đông là vùng sát cạnh bể do đất bồi mới được cánh anh em ông nội tôi khai phá có lẽ vào khoảng từ trước những năm 1920;tất cả đều là người Liên Thủy.Cả làng Hoành Đông đều theo đạo Công Giáo và cả mấy làng gần bên đi ra sát biển như Phú Ninh,Phú Hương đều là người Công Giáo,chỉ trừ làng Hoành Tam bên cạnh là có chen vài gia đình bên lương.Kế bên là Lạc Nghiệp có ngôi chùa to và có chợ họp theo phiên.Ở mấy làng trên tôi vừa kể chẳng có linh mục phụ trách nên cả ba làng Phú Hương,Phú Ninh,Hoành Đông phải đi lễ ở nhà xứ tên gì có lẽ là Sa Châu,phải đi qua chùa Lạc Nghiệp.Bọn trẻ con tụi tôi đi lễ sớm qua Hoành Tam ,hai bên đường có lũy tre rậm rạp,hay dọa nhau có ma bình vôi lăn theo nát tụi tôi khi đi lễ sáng,nên khi đi qua đó là rủ nhau chạy bán sống bán chết,mệt đứt hơi luôn nhưng rất vui,dù chưa hề thấy con ma bình vôi bao giờ.



Những đứa trẻ cùng làng Hoành Đông thời đó cùng đi lễ sáng có cánh con ông Hào Cực (đầu làng HĐ,sát Phú Ninh)và mấy người gần nhà,như anh Đính(nay là cố Đính,vì có con làm cha),Thụy,Huyên nghe nói có anh sau này đã đi tu làm Linh Mục nhưng bị bệnh chết.Đám này khá đông nhưng vì thời gian quá lâu tôi không nhớ được (hơn 60 năm rồi còn gì).



Đấy là kể về những ngày lễ Chủ Nhật chứ ngày thường bọn trẻ đến nhà thờ Hoành Đông đọc kinh theo giờ chuông báo rất đông cả người lớn và trẻ con.



Nhà thờ Hoành Đông theo tôi còn nhớ thì khá nguy nga,tọa lạc trên khu đất rộng,nhìn ra con sông nhỏ chảy từ phía Đầu Đạc,tiếp với con sông khá lớn là Thanh Nhang gì đó chảy suốt ra đến đê biển.Từ nhà tôi đến nhà thờ phải qua con sông nhỏ này, rộng trên 10 mét bằng một cái cầu khá kiên cố và tương đối rộng,an toàn.Nếu hướng về Phú Ninh thì bên phải cầu là nhà ông Toàn,bên trái là nhà ông Lý Tri.Qua cầu thi bên phải rẽ vào nhà thờ Hoành Đông,bên trái là nhà ông Trùm Huấn.Nhà nào cũng có lũy tre bao quanh,có ao để lấy nước tắm giặt và ăn uống.



Con sông Hoành Đông là nơi tôi hay trốn bố tôi ra đó câu,mê mẩn đến nỗi quên giờ về dù chỉ có mấy con cá hau ngạnh nhỏ xíu mà ngày đó mấy người lớn thường nói đùa : mày mà câu được cá,bắc bếp lên rốn tao mà nấu.Mỗi lần như vậy là trên mông lại có ba con lươn nằm vắt vẻo.



Sát đường làng,cạnh nhà thờ có một cái ao khá rộng có lẽ các cụ đã lấy đất ao để làm nền nhà thờ vì cả vùng toàn là đất thấp,nhà nào cũng phải đào ao để lấy đất làm nền nhà,vừa có nơi thả cá,tắm giăt và lấy nước ăn uống vừa thả bèo cái nuôi lợn có bè rau muống chặn lại cho bèo chỉ ở một phần ao lại có rau muống ăn hàng ngày.



Tôi tìm được trên mạng Bùi Chu,Giáo Làng có viết về rau muống như sau :



Ai ơi đừng lấy Bắc Kỳ,

Nó ăn rau muống nó lỳ như trâu.


Làng Hoành Đông có lẽ chỉ có khoảng vài trăm người,cả lớn đến bé,thế mà thời đó đã xây được nhà thờ nguy nga như thế,thật đáng phục.Thêm với mấy làng bên cạnh thành ra xã Đông Thiện,Huyện Giao Thủy,Tỉnh Bùi Chu.Cả làng chỉ làm ruộng để sống,nhà giầu nhất chắc cũng chỉ có khoảng 3 đến 4 mẫu ta là cùng và chia nhỏ thành nhiều mảnh.Chẳng có ai buôn bán hay làm công nghệ hoặc chài lưới gì.Không bị đói nhưng chẳng ai giầu có,trừ năm ất dậu (1945) có mấy người bị chết đói.Chuyện này nếu kể chi tiết thì dài dòng nên xin đóng lại vì chắc các bạn trẻ chả thông cảm mấy.



Nhà thờ Hoành Đông có nhà hội quán khá rộng rãi,có lúc bố tôi đã mở lớp dạy chữ cho trẻ con trong vùng,đến học khá đông từ các làng lân cận,tôi cũng đến học tại đây,sau đó anh Ánh con ông trùm Nghiệp cũng dạy một thời gian và có lúc có một người được gọi là Thầy Uy,tu xuất ở trong nhà xứ Hoành Đông ,có mở lớp dạy chữ quốc ngữ,nghe nói ông này uống rượu ghê lắm,tôi có đi học mấy ngày thì tai nạn bất ngờ xảy ra với tôi,tôi phải rời Hoành Đông về Liên Thủy.



Kỷ niệm về Hoành Đông tôi còn nhớ khá nhiều nhưng chỉ là những chuyện nghịch ngợm,quấy phá của tuổi thơ,những ngày tết đi chúc tuổi ông Quản nghĩa binh Phạm văn Trắc dạy giáo lý,ông đãi tụi tôi ăn cơm ngày tết và còn lì xì năm hào đông dương tiền cắc nữa và …những buổi câu cá bị đòn v.v…Nhớ lại những kỷ niệm đó,lòng tôi thấy ấm lại.Trong làng hầu hết là họ hàng xa gần với nhau và cư xử với nhau rất thân thiện.



Một ngày hè khoảng năm 1947 gì đó,sắp đến mùa gặt,bố mẹ giao cho tôi công tác đi canh trâu ăn lúa tại thửa ruộng cạnh nhà ông Sỹ(con ông Trùm Chí),tôi gọi là bác.Tôi rất mừng vì tôi với anh Trạch(tên giấy tờ là Phạm trọng Thủy)con bác Sỹ chơi rất ăn ý với nhau.Đến khoảng giữa buổi sáng thì lính Tây đi càn qua khu này từ cửa biển Phú Hương và bắn phá bừa bãi vào khu nhà ông Sỹ.Bọn tôi nấp dưới sân trước nhà ông Sỹ có cái nền nhà bằng đất rất cao nên không bị nguy hiểm gì.Riêng bác Sỹ gái đang cho con bú ở nhà ngang ,khi bọn lính Lê Dương da đen rút đi ,chúng tôi phát hiện bác ấy đã trúng đạn ngay cổ chết trên võng bên cạnh em bé đang bú !



Bác Sỹ trai đang đi tù Việt Minh,ở nhà chỉ có mấy người con còn bé,lớn nhất là chị Liễu,lớn hơn tôi khoảng 5 tuổi.Thế là cả bọn la khóc um xùm.Riêng tôi hoảng hốt chạy về nhà,phải băng qua cánh đồng dài khoảng hơn 1km,đầu đội nón cối gần giống bộ đội(thời đó đàn ông con trai ai cũng đội nón cối).Mấy thằng Tây đen tưởng tôi là bộ đội nã súng về phía tôi.Đang đi tôi thấy xót ở cánh tay và phát hiện mình bị trúng đạn chảy máu nên khóc ầm ỹ.Khi về đến nhà thì chỉ có bà nội tôi ở nhà còn bố mẹ tôi đi chạy Tây càn ở đâu không rõ.Tôi bị xỉu vì mất nhiều máu và được anh Bình con ông Lý Binh và chú Liễn con ông Phụng cáng võng đem đi bệnh xá của Việt Minh ở đâu đó,có bà nội tôi đi theo chăm sóc .



Tại bệnh xá không có thuốc men gì chỉ có bông băng và teiture d’iode nên cả mấy tuần lễ không bớt mà thương binh rất đông nên tôi được bố mẹ chuyển lên nhà ông bà ngoại ở Liên Thủy để sang Bùi Chu (là vùng Tề) có các xơ ở bệnh xá Bùi Chu săn sóc.Tại đây khoảng mấy tháng thì tôi tạm lành vết thương,tuy lâu lâu lại có một mảnh xương nhỏ lòi ra ,nhưng dần dần khỏi hẳn vì được chăm sóc kỹ hơn và thuốc men khá hơn.Chỉ có điều vì mất máu quá nhiều nên sức khỏe kém lắm lại ảnh hưởng đến trí nhớ,học lâu vẫn không thuộc bài.



Sau này tôi được biết người coi bệnh xá Việt Minh ngày đó là ông Nghi con bà Lễ ,tôi gọi bằng chú làm nghề y tá là người Liên Thủy.Ông này nghe nói đã sang Úc với các con,nay đã lớn tuổi,không biết còn sống không.




Liên Thủy trong ký ức của tôi



Trước đó có lẽ tôi đã được đưa đến nhà ông bà ngoại mấy lần nhưng còn quá bé,nên chỉ từ dịp này tôi mới ý thức được làng Liên Thủy rõ hơn bao giờ,vì nay tôi đã 8 hay 9 tuổi rồi.



Làng Liên Thủy nổi bật nhất là ngôi thánh đường có hai tháp chuông rời xây trước sân nhà thờ và sân trước nhà thờ xây khá cao,muốn lên có hai lối bậc thang rộng ở hai bên sân phải trái.Sân này khá rộng,đám nghĩa binh nhí chúng tôi mỗi dịp lễ được các thầy xứ cho làm sân khấu diễn kịch trên sân này mà người lớn trẻ con vẫn đủ chỗ dự.Tôi không nhớ rõ là có còn một lối tam cấp ở giữa lên sân nhà thờ hay không.



Riêng sân cỏ trước hai tháp chuông thì khá rộng thường làm chỗ vui chơi cho học sinh học trong hai dãy nhà hội quán rộng rãi đối diện nhau nhìn ra cái sân này.Sân này còn được dùng làm sân bóng chuyền cho mấy anh lớn là học sinh ở các nơi về trọ ở Liên Thủy để sang Bùi Chu học ở trường Hồ ngọc Cẩn,lúc đó đã có tới lớp đệ Nhị(lớp 11 hiện nay).



Con đường làng đi qua trước nhà thờ đi cặp với lũy tre nhà ông Tổng Biểng , một cái ao nhỏ và một miếng đất cạnh nhà ông Chánh Ngữ,nghe nói trước kia là nhà của ông nội tôi đã bán đi để đến lập nghiệp ở Hoành Đông.Kế đó là con sông ngăn hai khu Trung và Hạ,có đường đi qua cây cầu đá xuống khu Hạ.Chiều ngược lại cũng đi ra bờ sông,bên phải là nhà cửa,các đường dong(tức là các ngõ nhỏ hai bên đều có nhà cửa).Con đường này nối với Liên Thượng.Có một đường dong đi sang làng Trung Lễ rồi đến Hạ Linh.



Làng Liên Thủy có ba khu:Khu Thượng(là Liên Thượng,có nhà thờ riêng cũng khá lớn),Khu Trung là khu có xây dựng nhà thờ Liên Thủy và Khu Hạ(tính từ qua cái cầu đá cho đến dong ngõ cuối làng)trong có dòng nữ mặc áo choàng đen,yếm trắng,có lẽ là dòng Mân Côi.Bên kia có lối sang Bùi chu,Trung Linh,Hạ Linh và Phú An.



Liên Thủy có sông nhỏ,hình như không có tên, ngăn cách với Bùi Chu và chạy dọc suốt làng tới Liên thượng.Giữa Liên Thượng và Liên Trung phải qua một cánh đồng nhỏ có đình làng Liên Thủy,cạnh đó có nghĩa địa chôn cất người trong làng qua đời nhưng tôi chưa thấy có tổ chức hội hè gì ở ngôi đình làng này bao giờ.



Làng Liên Thủy có chiều dài nhưng chiều ngang nhỏ,ruộng lúa là tài sản của người làng có vẻ rất ít so với dân số đông đúc làm nghề nông,có lẽ do đó mà các anh em ông nội tôi phải đi khẩn hoang đất ở Hoành Đông và một nhóm khác ở Hoành Tam(nhóm ông Bổng).Nhiều người còn thuê ruộng của các làng khác như Ngọc Cục v.v. để có đủ lương thực sinh sống.Trong làng chẳng thấy ai mở hàng quán gì,cũng không có chợ búa.



Liên Thủy nhà nào cũng có ít nhất một cái ao,có lẽ để lấy đất vượt nền nhà và dùng làm nơi rửa ráy tắm giặt cho cả nhà,nước ăn thì ra sông gánh về chứa trong lu.Nhưng người Liên Thủy không nói ngọng,không lẫn chữ l(lờ) và n(nờ),chữ tr và ch ,như nhiều địa phương khác nhưng lại đọc chữ dân thành rân (rân chúng)!



Người trong làng hầu hết là bà con với nhau,tình thân ái mà đến nay khi nhờ về họ,những ông,bà cô,những chú bác cô dì ngày đó, tôi chỉ là một thằng bé 9,10 tuổi-đến thăm họ được họ yêu thương,dẫn ra vườn tìm cho vài quả khế quả ổi vừa chín cho đứa cháu đang phải xa cha xa mẹ với cử chỉ ân cần,trìu mến.Tôi vẫn còn cảm giác mãi mãi không trả được món nợ tình cảm đó vì nay họ đã ra đi vĩnh viễn.



Nói như thế để các bạn trẻ thấy rằng quê mình nghèo lắm,không ai được học hành tử tế,chữ nho cũng chỉ tri,hồ ,dả ,dã,chữ tây cũng chỉ ăn đong.Khoa bảng không ai được đề tên làm sao so với Hành Thiện,Ngọc Cục ?Chẳng qua cũng chỉ tại cái nghèo chứ trí thông minh và lòng hiếu học của dân làng ta nào có thua kém ai.



Tôi ở tuổi đi học mà các lớp học được mở ra tại Liên Thủy,con cháu làng Liên Thủy học ở các lớp chỉ lèo tèo vài người còn toàn người ở nơi khác đến học.Năm 1953 tỉnh Bùi Chu cử giáo viên về mở trường tiểu học Liên Thủy ,tôi còn nhớ ba thầy giáo dạy lúc đó là Ông Hy,ông Đoàn côn Rược và ông Nhẫm(vì họ trọ tại nhà ông ngoại tôi).Lớp tôi học là lớp nhất mà toàn là người nơi khác chỉ có độc bốn mống là cô Hồng con bà Lý Chỉnh,cô Hồng và Chú Thuần(hai người sinh đôi)con bà Bật và tôi.Sau đó trừ cô Hồng con bà Chỉnh đi tu và tôi là còn học thêm.Mấy người khác phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình.

Năm 1954 cả làng Liên Thủy,trừ những người đi tu,như cha Cường,cha Phán vv. Học trung học chỉ có chú Phu tức Vân con ông Ngữ và anh Vạn con ông Trùm Nghiệp là học lớp đệ tứ trường Hồ ngọc Cẩn và tôi thi rớt vào lớp đệ thất phải học trong trường dòng Đồng Công,còn không có ai vào học Trung Học cả.Liên Thủy hồi những năm 1953-1954 học sinh các huyện khác về trọ học rất đông,hầu hết là học sinh Hồ ngọc Cẩn,sau năm 1954,tôi còn gặp họ ở miền Nam,đa số thành đạt.Còn người Liên Thủy cùng trang lứa với tôi chẳng có ai.Chỉ đến lớp sau một thế hệ ,khi đã vào Nam,mới lộ diện những người thành đạt trong học hành và kinh doanh.Từ đây con em Liên Thủy đã có đòn bẩy để tiến lên sánh vai với các địa phương khác.Không rõ Liên Thủy nay đã có mấy Tiến sĩ.



Riêng về lãnh vực tu hành chúng ta đã có nhiều Linh Mục và hy vọng thời gian tới sẽ có Giám Mục người Liên Thủy.Vào nhà Chúa,từ đây, theo ơn kêu gọi là dâng mình phục vụ Thiên Chúa và tha nhân chứ không phải còn là mục đích được học hành cao hơn.



Làng ta nghèo chứ đức tin Công Giáo và truyền thống đạo đức thì với những gương tổ tiên tử đạo,bảo vệ đức tin mấy nơi sánh kịp.Người làng Liên Thủy hầu hết có họ hàng với nhau,chẳng thấy có tranh chấp,đấu đá với nhau bao giờ.Nếu không có biến cố 1954,làm cho con em Liên Thủy tản mát khắp nơi,ngày nay chúng ta sẽ như thế nào?Con cái không chê cha mẹ khó,chó không chê chủ nghèo,chúng ta không mắc cở vì ta nghèo, chúng ta chỉ mắc cở vì không dám vươn lên khi có điều kiện.Thế hệ trẻ Liên Thủy nhất định sẽ làm cho quê mình tỏa sáng.



Năm 1954,tôi theo bố mẹ vào Nam khi vừa đúng 14 tuổi,nhiều người Liên Thủy (có lẽ hơn một nửa) cũng vào Nam và lập ra Đồng Hương Liên Thủy,con cháu Liên Thủy nay tản mát khắp nơi trên thế giới,nhiều người thành đạt,nhưng chắc không bao giờ quên quê cha đất tổ,nguồn gốc phát sinh ra tổ tiên và con cháu chúng ta ngày nay.


Viết những dòng này về Liên Thủy,thấy ở đó hầu hết là họ hàng xa gần với nhau,ngày xưa đã từng yêu thương ,che chở ,đùm bọc nhau,ngày nay chúng ta cũng đi theo con đường cha ông đã vạch ra,dắt dìu nhau cùng tiến lên và làm vinh danh Thiên Chúa vì máu đào của tổ tiên đã đổ ra chứng tỏ đức tin và hỵ vọng của mọi người vào Chúa.

Tôi cũng vô cùng kính phục các bậc Tổ Tiên tử đạo,hồi đó các vị chắc chắn không được học Giáo Lý Công Giáo sâu sắc như con cháu chúng ta ngày nay mà chỉ là những kiến thức căn bản,lại không có sách vở để tra cứu,thậm chí một cuốn kinh thánh cũng không,nhưng đức tin Công Giáo của họ đã có sức mạnh dời non lấp biển.Mong rằng con cháu chúng ta được thừa hưởng trọn phần gia tài này.

Trên đây chỉ là những điều tôi còn nhớ được dưới con mắt một cậu bé 14 tuổi,có lẽ có nhiều sai lệch với thực tế.Chẳng qua gần 60 năm đã trôi qua,cái nhớ cái quên,lại chưa có dịp trở lại nhìn chốn quê xưa lấy một ngày để xem nhưng gì mình có trong đầu có giống với thực tế không ?/-

1 nhận xét:

datsetnhat nói...

Có lẽ một người con nặng lòng với quê hương lắm thì mới có được 1 kí ức về quê hương như thế.